
Bố truyền cảm hứng môn Hóa
Ông Đinh Bá Tiệp, bố của em Đinh Tuấn Hoàng, không giấu nổi xúc động kể: “Ngay sau khi nhận giải, Hoàng gọi về khoe với gia đình, tôi đã khóc”. Hoàng là học sinh chuyên Hóa, Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam. Chính bố Hoàng là người truyền cho con niềm cảm hứng, đam mê môn học này. Ông kể, khi Hoàng còn là học sinh Trường THCS Giảng Võ (Hà Nội), anh trăn trở rất nhiều về định hướng tương lai cho con. Ông vốn là dân chuyên Hóa nên nghĩ ra cách đi mua rất nhiều đồ thí nghiệm hóa học về để dạy con trai. Với kiến thức sẵn có, ông đã mua a xít, kiềm, thuốc thử…về trình diễn những phản ứng hóa học, đổi màu... không ngờ Hoàng rất thích thú và bắt đầu hành trình mày mò tìm hiểu. Sau này, khi Hoàng học khá môn Hóa, thầy cô kể: “Hoàng có niềm đam mê môn Hóa học thật sự”. Và ông tin, mình đã thành công trong việc định hướng cho con.
Sau này, khi Hoàng lên cấp 3, kiến thức nặng hơn, không thể học cùng con nữa thì anh lại hi sinh công việc để đưa đón con đi học. Ông Tiệp kể, mẹ và chị gái Hoàng đều là bác sỹ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, nên rất bận rộn. Vì thế, khi còn đang là cán bộ Viện Khoa học Công nghệ Giao thông vận tải, ông đã chủ động xin về phòng hành chính làm việc để có nhiều thời gian đưa đón con. Đa số buổi học thêm của Hoàng là buổi tối, ông không nỡ để con đi xe ôm một mình, dù trời mưa hay nắng anh đều chở con đi học rồi ngồi đợi con tan học để chở về. Nhà Hoàng ở phố Thái Hà, có khi hai bố con đi xe máy chở nhau đến nhà thầy giáo ở tận cầu Nhật Tân, cách nhà mười mấy cây số để học. “Con đi xe ôm hay taxi để đi học cũng được nhưng tôi nghĩ mình đưa đón con đi, trên đường đi hai bố con trò chuyện sẽ tình cảm hơn nhiều”, ông Tiệp tâm sự.
Đáp lại tình cảm của bố, nhiều năm liền Hoàng đều đạt học sinh giỏi. Các năm cấp 3, Hoàng luôn thuộc top 3 của lớp, đặc biệt Hoàng rất giỏi tiếng Anh.
Gieo ước mơ từ nghề của mẹ
Sau một kỳ thi căng thẳng kéo dài, không giấu nổi sự mệt mỏi, Hoàng nhận định: “Đề thi năm nay khó hơn mọi năm. Đặc biệt, phần thi thực hành gồm 3 câu, trong đó có câu Hoàng phải xử lý trong vòng 4 tiếng đồng hồ mới hoàn thiện”. Theo Hoàng, thí sinh Việt Nam đang còn yếu về thực nghiệm nên khi ra quốc tế để so tài, thí sinh rất thiệt thòi. Ở trường Hoàng học cũng có phòng thực nghiệm nhưng chưa có nhiều hóa chất để thí nghiệm.
Ngoài thời gian học ở trường, mỗi ngày Hoàng dành khoảng 4 giờ để ôn bài. Không học liền tù tì một lúc vì đầu óc dễ căng thẳng, Hoàng thường chia nhỏ các bài tập ra để làm và dành thời gian nghỉ ngơi. Lúc căng thẳng, Hoàng thường chơi piano hoặc chơi game.
Hoàng cho biết, bố là người ảnh hưởng đến việc học hành của em nhất, nhưng chị gái, một cựu học sinh chuyên Sinh của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam cũng là người khiến em phải noi gương học tập.
Với HCV quốc tế, Hoàng được đặc cách chọn bất cứ trường học khối A,B nào tại Việt Nam. Hoàng chia sẻ dự định sẽ nộp đơn vào Trường ĐH Y Hà Nội. Hoàng nói: “Có mẹ, chị gái, anh rể đều làm việc trong ngành Y. Chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân đau đớn, sự sống mong manh, Hoàng rất muốn làm điều gì đó để giúp đỡ họ”.
Nguồn : tienphong.vn